BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH
ngày 31 tháng 7 năm 2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và
một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm
về bảo hiểm thất nghiệp
___________
Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 09 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Việc làm;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 7 năm 2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
“Điều 9. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu xác định như sau:
Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu |
= |
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có) |
+ |
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có) |
+ |
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có) |
+ |
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động không đến nhận tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có) |
+ |
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác nhận bổ sung sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (đối với các trường hợp người lao động đã hưởng trợ cấp thất nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 36 tháng khi giải quyết thì căn cứ thực tế vào thời gian đã đóng, hưởng trợ cấp thất nghiệp) (nếu có) |
a) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp
Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng đến đủ 144 tháng thì thời gian đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì những thời gian chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp không được bảo lưu. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu ghi tại quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ví dụ 5: Bà Nguyễn Thị Đ có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 41 tháng, như vậy, nếu bà Đ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng (tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 05 tháng.
Ví dụ 6: Bà Nguyễn Thị E có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 150 tháng, như vậy, nếu bà E đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 0 tháng.
b) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp
Người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu là thời gian đã được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ví dụ 7: Ông Phạm Văn E có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 40 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng và được bảo lưu 04 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Ông E không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn trả kết quả và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận kết quả, do đó, ông E bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông E là 40 tháng.
c) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu được ghi tại quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm thuộc trường hợp giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã thực hiện thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định nhưng chưa có bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì phải có cam kết thể hiện nội dung về ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết có hiệu lực, lý do chưa cung cấp được bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và nộp bổ sung bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Ví dụ 8: Ông Nguyễn Văn G có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 17 tháng, ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Ông G đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên và thông báo theo quy định với trung tâm dịch vụ việc làm về việc có việc làm ngay trong tháng đó. Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông G được bảo lưu là 05 tháng (01 tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp).
Ví dụ 9: Ông Nguyễn Văn H có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 52 tháng; ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp 04 tháng kể từ ngày 02/4/2022 đến ngày 01/8/2022 và được bảo lưu 04 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Sau tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ nhất, ông H không đến thông báo tìm kiếm việc làm nên bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 02/5/2022. Tuy nhiên, ngày 04/7/2022, ông H thông báo đã có việc làm kể từ ngày 02/7/2022 nên bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, ông H đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp 02 tháng (tháng thứ nhất và tháng thứ tư), tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp 02 tháng (tháng thứ hai và tháng thứ ba) nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại Quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông H là 0 tháng (không tính 04 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp đã được bảo lưu trong quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Ví dụ 10: Ông Nguyễn Văn K có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 60 tháng; ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp 05 tháng kể từ ngày 18/01/2022 đến ngày 17/06/2022; ông bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 18/03/2022. Tuy nhiên, ngày 25/03/2022, ông K thông báo đã có việc làm kể từ ngày 11/03/2022, do đó, ông K bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 11/03/2022 và không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (do ông K không thực hiện thông báo về việc có việc làm trong thời hạn theo quy định tại khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 61/2020/NĐ-CP).
d) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp
Người lao động không đến nhận tiền và không thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Ví dụ 11: Bà Nguyễn Thị L có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Bà L đã nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên. Tuy nhiên, sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà L vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai và thứ ba. Như vậy, bà L đã nhận trợ cấp thất nghiệp 01 tháng (tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bà L được bảo lưu là 0 tháng.
Ví dụ 12: Ông Nguyễn Văn M có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp 18 tháng; được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng. Ông M chưa nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đầu tiên; sau đó, ông M không thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm nên bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp từ tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai đến hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông M không đến nhận tiền. Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông M được bảo lưu là 12 tháng (tương ứng với 01 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà ông M không đến nhận tiền).
Ví dụ 13: Bà Nguyễn Thị N có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 29 tháng, bà được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Bà N đã nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên, bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ hai và được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ ba. Tuy nhiên, sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà N vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba. Như vậy, bà N đã hưởng trợ cấp thất nghiệp 01 tháng và bị tạm dừng 01 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp (tương ứng với 24 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu của bà N là 05 tháng.
Ví dụ 13a: Ông Phạm Văn N có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 15 tháng, ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Ông N đã nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên, đã thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm tháng thứ 2 nhưng không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp tháng đó. Ông N bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ ba. Sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông N vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai. Như vậy, ông N đã hưởng trợ cấp thất nghiệp 01 tháng (tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu của ông N là 03 tháng.
đ) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với trường hợp người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 36 tháng trở lên làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung sẽ được bảo lưu để làm cơ sở tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Ví dụ 13b: Ông Nguyễn Văn P có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 42 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng và được bảo lưu là 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông P được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 08 tháng thì thời gian này được bảo lưu để làm cơ sở tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
- Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 36 tháng làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung được bảo lưu theo nguyên tắc sau:
Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác nhận bổ sung để bảo lưu |
= |
Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp đã xét hưởng trợ cấp thất nghiệp |
+ |
Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp xác nhận bổ sung |
- |
Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng đã nhận tiền trợ cấp thất nghiệp |
- |
Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng số tháng bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Ví dụ 13c: Ông Nguyễn Văn Q có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 13 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng và ông Q đã hưởng đủ 03 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông Q được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 07 tháng. Như vậy, thời gian đã hưởng của ông Q là 03 tháng tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, thực tế ông Q có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 20 tháng cho nên ông Q không được bảo lưu số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác nhận bổ sung.
Ví dụ 13d: Ông Nguyễn Văn R có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 25 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng và ông R đã hưởng đủ 03 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông R được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 15 tháng. Như vậy, thời gian đã hưởng của ông R là 03 tháng tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, trong khi thực tế ông R có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 40 tháng nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông R là 04 tháng.
Ví dụ 13đ: Ông Nguyễn Văn S có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 16 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng. Ông S hưởng trợ cấp thất nghiệp 01 tháng thì có việc làm, do đó, ông bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và được bảo lưu 04 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp ông được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, thời gian đã hưởng của ông S là 01 tháng tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, trong khi thực tế ông S có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 28 tháng nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông S là 12 tháng (không bao gồm 04 tháng đã được bảo lưu tại quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Ví dụ 13e: Ông Nguyễn Văn T có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 16 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng. Ông T được hưởng trợ cấp thất nghiệp 02 tháng thì có việc làm, do đó, ông bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và không còn số tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp ông được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, tổng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của Ông T là 28 tháng, Ông T đã hưởng 02 tháng trợ cấp thất nghiệp, tương ứng với 24 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nên thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu của ông T là 4 tháng.
Ví dụ 13g: Bà Bùi Thị V có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 29 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng. Bà V đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ nhất và tháng thứ ba; tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 2 bà bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp do không thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp bà được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung 08 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, thời gian đã hưởng của bà V là 03 tháng tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, trong khi thực tế bà V có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 37 tháng nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà V là 01 tháng.
2. Đối với các trường hợp tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu không bao gồm số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được cơ quan bảo hiểm xã hội bảo lưu.
3. Cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ các quyết định liên quan đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp và việc xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào Sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.”